Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

Sôi động dịch vụ chuyển hoa Tết Đinh Hợi


Ảnh minh họa
Theo Trung tâm Thông tin Thương mại, năm nay do thời tiết không thuận lợi nên nhiều vùng hoa trong cả nước mất mùa, khiến hoa Tết đẹp trở nên hiếm, và việc lưu chuyển hoa Tết giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước tăng mạnh. Đến thời điểm này, dịch vụ chuyển hoa Tết Đinh Hợi đã “rục rịch”, hứa hẹn một thị trường sôi động.

Công ty hoa tươi Khánh Dung (44 ấu Triệu và 404 Lê Duẩn), một trong những đại lý của Dalat Hasfarm tại Hà Nội cho biết, nhiều khách hàng đã gọi điện đến cửa hàng đặt hoa Tết, sớm hơn so với năm ngoái. Trong đó, ly, lan, tulíp là những chủng loại được nhiều người lựa chọn. Còn cửa hàng Hoa Xuân (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, mai, đào, lan, cát tường… lại rất “ăn khách”. Các cửa hàng kinh doanh hoa đều nhận định, năm nay mưa nhiều, hoa hiếm nên giá hoa cao hơn so với mọi năm. Giá dịch vụ trọn gói vì vậy cũng tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Cước vận chuyển trung bình từ 20.000-30.000 đồng/lần trong khu vực nội thành và 80.000-100.000 đồng/lần tới các tỉnh, thành khác.

Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ chuyển phát nhanh Tân Sơn Nhất, Hà Nội (Netco) cho biết, công ty đã bắt đầu nhận được hợp đồng hoặc điện thoại hỏi của các cá nhân có nhu cầu vận chuyển đào, quất vào trong Nam. Mức chi phí dịch vụ phụ thuộc vào khối lượng của các cành, cây. Nếu cành đào nhỏ, kích cỡ khoảng 1-1,5 m giá vận chuyển khoảng 200.000-300.000 đồng. Những cành lớn hơn (trên dưới 2m) giá có thể lên tới 1-2 triệu đồng.

Nhu cầu của người dân tăng khiến các hãng hàng không cũng vào cuộc. Vietnam Airlines và Pacific Airlines vừa có quy định vận chuyển cành đào, cành mai theo đường hành lý ký gửi. Cước vận chuyển mai, đào của Pacific Airlines trên chặng bay TP HCM - Hà Nội và ngược lại là 150.000 đồng/bó. Chặng TP HCM - Đà Nẵng, Hà Nội - Đà Nẵng 75.000 đồng/bó. Các cành đào, mai, phải được buộc thành bó, có bao bọc ngoài, một bó không quá 2 cành. Kích thước các cành đào, mai không vượt quá 120x50x50cm. Mỗi hành khách được chấp nhận vận chuyển dưới dạng hành lý ký gửi theo chuyến bay tối đa 1 bó. Riêng các cây mai, đào dưới dạng gốc (còn đất) thì phải vận chuyển và tính cước như dịch vụ hàng hóa.

Trung tâm Bưu điện TP HCM cũng đưa ra các mức giá vận chuyển chi tiết để khách hàng lựa chọn. Cước vận chuyển đến các tỉnh dao động 38.500-49.000 đồng/lần chuyển, tùy vào giá trị của các lẵng hoa. ở khu vực nội thành, chi phí thấp hơn khoảng 20.000 đồng/lần chuyển.

Hà Nội rực rỡ chợ hoa ngày Tết

Tết đến, hầu như ai cũng dành thời gian để đến các chợ hoa vừa để ngắm nhìn vừa tìm mua cành đào, cây quất hay một bó hoa, chậu cảnh.... đưa về nhà để được thưởng thức hương sắc mùa Xuân trong ngôi nhà ấm cúng của mình.

Cây đào, cây mai, chậu quất... như những biểu tượng văn hóa Tết của người dân Việt nói chung và Hà Nội nói riêng từ ngàn xưa.

Nhưng trong đời sống đương đại, thú sinh hoạt văn hóa tao nhã và nặng về tinh thần ấy đã thay đổi khá nhiều. Nguyên nhân sâu xa có lẽ là những biến chuyển của đời sống vật chất, tinh thần và cả mức thu nhập của chính những người dân được tăng lên.

Thú chơi hoa vốn đã trở thành truyền thống văn hóa của người Hà Nội.

Dấu hiệu Tết, không khí ngày Tết ở Hà Nội đã được thể hiện sớm và đậm nhất chính là các chợ hoa Tết. Phần vì Hà Nội được thiên nhiên ưu đãi nên đứng hàng đầu về sự phong phú hoa và cây cảnh. Người Hà Nội cũng được coi là dân khá "sành điệu" trong thú chơi này.

Điều dễ nhận thấy ở chợ hoa Tết ở Hà Nội năm nay chính là sự đa dạng về chủng loại. Ngoài một số loại hoa truyền thống vốn có tên tuổi như quất Quảng Bá, đào Nhật Tân, Tứ Liên, cúc, cẩm chướng, hoa đồng tiền, hoa cúc Ngọc Hà... thì chợ hoa Tết còn có hàng trăm loại hoa mới xuất hiện (có nguồn gốc nhập ngoại hoặc đưa từ các địa phương khác về).

Chỉ nói riêng về đào cũng đủ cho thấy cái đa dạng đó. Từ đào ta đến đào Nhật Tân, đào thế, đào thắm Tây Bắc, đào Lào (gốc từ Lào được đưa về từ Sơn La, Điện Biên)...

Tùy vào sở thích từng người, tùy không gian ngôi nhà và túi tiền của mình, người dân tha hồ lựa chọn cho mình những "biểu trưng văn hóa Tết" ngay tại các chợ hoa, cây cảnh Tết hình thành trên các phố Nghi Tàm, Quảng Bá, Hoàng Hoa Thám, hay Láng Hạ, Kim Ngưu...

Giá cả cũng rất đa dạng, phù hợp với nhiều loại nhu cầu. Tuy nhiên theo những người dân thì năm nay giá cả có đắt hơn so với năm ngoái.

Nếu như những người giàu chơi sang có thể bỏ ra hàng triệu đồng để mua những chậu hoa lan, những cây đào thế hoặc mua những bông hoa Tuylip (nguồn gốc từ Hà Lan với giá 20 - 30 ngàn một bông) thì người nghèo có điều kiện để chung thủy với sở thích của mình với các loại hoa cẩm chướng, hoa phăng, hoa đồng tiền, hoa hồng, hoa cúc mà mức giá bình dân.

Với trên dưới 100 ngàn, đã có thể chọn được một cành đào khá đẹp. Gấp đôi số tiền ấy thì có thể có một cây quất tuy không to lớn nhưng sai quả, chín vàng.

Có rất nhiều quầy hàng chuyên doanh những loại quất, đào ta loại giá rẻ. Chỉ khoảng 50 - 70 ngàn, người ta đã có thể mua những cành đào Nhật Tân loại nhỏ hoặc những cây quất loại nhỏ.

Cùng số tiền ấy, còn có thể lựa chọn cho mình những chậu cúc, chậu cảnh nhỏ hay một bình thủy tiên, một lọ tầm xuân, một cành đào phai...

VTC News giới thiệu với độc giả chùm ảnh chợ hoa ngày Tết:

Cảnh đông vui, tấp nập tại một quầy hoa Tết trên đường Quảng Bá.
Đào thế Nhật Tân - niềm tự hào của người trồng hoa Hà Nội.
Một góc phố chuyên bán hoa các loại ở Nghi Tàm.
Mai vàng mang ánh nắng, sự ấm áp của phương Nam giữa phố phường Hà Nội.

Một dãy hè phố chuyên bày bán loại hoa bình dân.

Màu sắc của hàng trăm loại hoa ngoại đang góp phần tô điểm cho mùa Xuân và Tết.
Hoa phong lan dù đắt đỏ nhưng vẫn xuất hiện ngập tràn trên chợ hoa Tết năm nay.
Sự phong phú của chợ hoa khiến người nghèo có nhiều sự lựa chọn.
Không ít cửa hàng hoa bán chủ yếu những sản phẩm dưới 50 ngàn đồng.
Hoa cúc là loại được tầng lớp bình dân lựa chọn để trang trí nhà mình dịp Tết.

Lê Tùng Dương

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

Chợ hoa Tết nhộn nhịp và dễ mua

(VietNamNet) - Bắt đầu từ hai ngày nghỉ cuối tuần vừa qua, những chợ hoa Tết truyền thống lớn ở Hà Nội bắt đầu họp và đông dần lên. Sáng sớm thứ hai, tuy là ngày đầu tuần nhưng chợ đã họp rất đông.

Dọc hai bên đường Âu Cơ - quận Tây Hồ hôm nay sặc sỡ các loại hoa, cây cảnh. Phía bên đê chủ yếu là các loại hoa truyền thống ngày Tết như đào, quất, mai... phía bên bờ Hồ Tây lại là nơi tập trung của các loại hoa khác góp thêm sắc màu cho chợ Tết như: hoa cúc, đỗ quyên thuỷ tiên, tulip... Ngược lên một đoạn, cạnh chợ hoa Quảng Bá là những siêu thị chuyên bán hoa lan nhập khẩu hoặc trồng trong nước với giá khá cao.

Đào quất dễ mua, mai đắt giá

Mặc dù không thuận lợi về thời tiết nhưng hoa đào năm nay cũng không hề kém sắc. Những cây đào trồng trên đất mới ngoài bãi sông Hồng năm nay cho thu hoạch một lượng lớn. Người bán đào Hà Nội lại có dịp tự hào khi giới thiệu: "đào Nhật Tân chính gốc đấy, trồng ngoài bãi nhưng hoa vẫn thắm, cánh dày lắm. Không phải đào Bắc Ninh, Bắc Giang đâu mà lo".

Soạn: AM 684181 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đào Nhật Tân rất nhiều cành đẹp và không đắt như dự báo.

Giá cành đào khá rẻ, một cành to, nhiều hoa - nụ ra đều có thể chơi lâu ngày giá 150 ngàn, những cành nhỏ nhưng dáng đẹp, đều hoa cũng chỉ 70 - 100 ngàn đồng/cành. Những cây đào nguyên gốc giá trung bình từ 400 - 700 ngàn, có những cây đẹp giá tiền triệu nhưng hầu hết đã được đặt hàng từ vườn nên không có nhiều để đưa ra chợ. Theo những người bán đào thì hôm nay vẫn chưa phải là thời điểm bán đào được nhiều mà phải chờ vài hôm nữa. Thời tiết mấy hôm nay đột ngột trở lạnh nên nhiều người cũng ngại mua vì sợ không bảo quản được, đến Tết hoa nở không đúng kỳ.

Cùng với đào Nhật Tân, đào phai cũng đã được chuyển về Hà Nội, hầu hết đào phải là đào cắt cành từ các vùng xa, chỉ một số ít được trồng tại Hà Nội. Loại đào này thân to, nhiều lá chỉ phù hợp với những nhà lớn, giá lại cao nên cũng khá kén khách. Những cành bình thường cũng lên đến 300 - 400 ngàn đồng, những cành đẹp ưng ý phải 500 - 700 ngàn đồng. Thậm chí những cành lớn, nhiều hoa, có dáng cổ thụ lên đến 1,2 - 1,5 triệu đồng, thậm chí là 2 triệu cũng có.

Không như đào, quất ngay từ bây giờ đã bán khá chạy. Tại các vườn quất lâu năm ở Quảng Bá có đến quá nửa đã được người đặt sẵn. Chủ vườn Quất Thuỷ Lợi trước khu biệt thự Tây Hồ cho biết, đa số những cây đẹp có giá từ 500 - 700 ngàn đến trên 1 triệu đồng đều được đặt sẵn, từ nay đến 28 Tết là phải đánh về nhà cho khách hết. Vườn quất này có gần 200 gốc đã bán được quá nửa, cây rẻ cũng 200 - 300, cây bình thường 500 - 700, những cây đẹp có giá trên 1 triệu. Có lẽ nhờ thương hiệu quất Quảng Bá mà chủ vườn này bán được đắt hơn các loại quất khác bán trên thị trường khoảng 5 - 10%.

Không dễ mua như đào quất, hoa mai năm nay khá đắt, một chậu mai loại nhỏ mọi năm chỉ 300 ngàn năm nay cũng tăng lên gần 500 ngàn, những chậu bình thường cũng mất 800 - 900 ngàn mới mua nổi. Nhiều chậu mai ưng ý, gốc cổ thụ, có dáng đẹp, nhiều nụ mới hé đã được rao bán với giá 2 - 5 triệu đồng tùy kích cỡ.

Theo lý giải của những người bán hàng, sở dĩ mai nay đắt là do mất mùa. Không chỉ mai chở ra miền Bắc mới đắt mà ở tại vùng mai miền Nam, giá hoa mai năm nay cũng tăng giá mạnh. Mai đắt nhưng có vẻ không khó bán, vì người chủ hàng mà chúng tôi hỏi thăm, ngày đầu ra chợ đã trưng bày khoảng 30 chậu các loại. Ông chủ cho biết là còn chuẩn bị một lượng chậu mai nhiều hơn thế để bán trong những ngày tới.

Hoa trang trí đa dạng dễ chọn

Cùng với những đào, quất rất nhiều loại hoa khác cũng được đưa ra bán trong dịp Tết phục vụ nhu cầu trang trí, làm đẹp của các gia đình. Những loài hoa thân quen như: thuỷ tiên chỉ 50 - 60 ngàn đồng/bình, hoa cúc khoảng 100 - 120 ngàn đồng/chậu lớn, hoa đỗ quyên 60 - 110 ngàn đồng/chậu... Những loại hoa này dễ trang trí, có thể trên bàn, trong nhà hay trưng ngoài sân, giá lại rẻ nên rất được nhiều người mua để trang trí. Trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại hoa mới như tulip Hà Lan từ 60 - 100 ngàn đồng bình.

Theo những người bán hàng ở chợ, những ngày này, các loại hoa đã bắt đầu bán chạy, ai đi thấy đẹp là mua sẵn về nhà, cứ ngày cận Tết không có thời gian để chọn nhiều. Đây lại là những loài hoa dễ chơi, dễ nuôi và bảo quản nên rất được nhiều người chọn vì thế hàng bán khá chạy.

Soạn: AM 684177 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nhièu loại hoa, cây cảnh đã được bày ra đường đón khách chơi. (VP)

Đặc biệt, tại những siêu thị hoa lớn ở chợ hoa Quảng Bá, hàng ngàn cành lan chủ yếu là hoa lan Hồ Điệp được trồng trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài về được bày bán từ nhiều ngày nay. Hoa lan rất đẹp, nhiều màu sắc lại có độ bền lâu từ 1 - 2 tháng, giá đắt nên được xem la loại hoa sang nhất hiện nay.

Siêu thị hoa Anh Trí, trại hoa Trường Xuân quảng cáo các loại lan nhập khẩu từ Đài Loan, Vườn Hoàng Lan chủ yếu là hoa trồng trong nước nhưng điểm chung của loài hoa này là giá khá đắt, trung bình khoảng 150 ngàn đồng mỗi cành. Một người bán hàng tại vườn Hoàng Lan cho biết: chả ai chọn một cành, đã chơi ít nhất là 3 cành, 5 cành... trở lên. Theo giới thiệu của các siêu thị: 3 cành lan tính cả tiền chậu có giá 500 ngàn thì về để bàn là đẹp. Còn nếu để đôn, kê góc phải từ 5 - 7 cành trở lên, giá cũng theo đó mà lên trên một triệu, hai triệu... Còn nếu chơi chậu to thì có khi lên đến cả chục triệu là chuyện thường. Với giá đắt thế này, hầu hết những người đến đây đều là những người có tiền hoặc mua để tặng là chính.

Sự nhộn nhịp của chợ hoa không chỉ ở những nơi truyền thống như: Quảng Bá, Hàng Điếu mà khắp thành phố Hà Nội, bất cứ chỗ nào có diện tích và thuận lợi đều trở thành những điểm bán hoa. Sân trường Đai Học Y tế công cộng - Giảng Võ, trước Bảo tàng Không quân - Trường Chinh, Công viên Đống Đa - Tây Sơn... đều trở thành những chợ hoa khá quy mô. Và có hàng trăm điểm khác ở trong các khu dân cư, điểm vui chơi và cả chợ... đều thành điểm bán hoa. Cả thành phố Hà Nội đang nở rộ màu sắc từ những chợ hoa và theo đó không khí Tết đã đến thật gần.

  • Đông Hiếu

Đường hoa Nguyễn Huệ

Đường hoa Nguyễn Huệ là tên gọi của Đường Nguyễn Huệ vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, bắt đầu từ tết Giáp Thân năm 2004.

Khi ấy, con đường Nguyễn Huệ - một trong những con đường đẹp và đắt đỏ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, nằm trải dài từ trước trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố và tượng đài Bác Hồ đến Bến Bạch Đằng, với nhiều tòa nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán sầm uất, biến thành một đường hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều khách viếng thăm, và trở thành một địa chỉ quen thuộc cho những vị khách du xuân

Những con chó đá – biểu tượng của năm Bính Tuất 2006 ở đường hoa Nguyễn Huệ
Những con chó đá – biểu tượng của năm Bính Tuất 2006 ở đường hoa Nguyễn Huệ


Hoa Tết với người Hà Nội.

Người Hà nội chơi hoa quanh năm, nhưng chợ hoa ấy mỗi năm chỉ họp có một lần từ hăm ba tháng Chạp, ngày các gia đình tiễn ông Táo về trời đến trước lúc giao thừa. Chợ họp trên một dãy phố cổ, được gọi là Cống Chéo Hàng Lược. Gọi thế vì trước kia ở xế chỗ đền đạo hồi có một cái cống bắc chéo qua sông Tô lịch. Sông Tô từ trên bưởi chạy dọc theo phố Phan Đình Phùng, qua cây đổ ra sông Hồng chỗ chợ Gạo. Còn lược thì bán ở đây thời hậu Lê. Đến nay thì không còn nhưng còn cái tên gợi nhớ. Hoa đào Quảng Ba, Nhật Tân, hoa các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp và các loại hoa từ các vùng Hồ Tây, Bách Thảo tụ về đây thành chợ. Trước đó, hoa Tết Hà Nội bán ở chợ Cầu Đông (quãng Hàng Đường) sau chuyển về chợ Đồng Xuân. Khu bán hoa chợ Đồng Xuân quá chật chỉ chứa nổi hoa ngày thường chứ không kham nổi hoa ngày Tết, cho nên hoa phải tràn ra Cống Chéo Hàng Lược.

Trong hơn nửa thế kỷ, dòng suối hương sắc từ Nghi Tàm, Quảng Bá để qua Yên Phụ vào chợ hoa Hàng Lược. Bây giờ thì lan cả tới các phố Phùng Hưng, Phan Đình Phùng, lấn cả lên vườn hoa Hàng Đậu, rẽ cả vào phố Lý Nam Đế. Cũng may, hiện nay các quận đều có chỗ bán hoa, chứ để hoa tràn tự nhiên thì không biết chợ hoa này đông đến mức nào. Người trồng hoa vất vả suốt năm nhưng ngày mang hoa về chợ, gương mặt họ có nét tươi của hạnh phúc, tưởng như đang san sẻ sự ấm áp, tươi vui cho mọi nhà. Còn trên những vườn đào ven Hồ Tây sau buổi “ tiễn” hoa về phố, chỉ còn trơ những gốc, nghe hun hút gió bấc thổi tràn qua đên sông Hồng.

Bây giờ người Hà Nội sắm Tết thanh thản, mua hoa Tết cũng dễ dàng. Ra cửa là gặp hoa. Các làng trồng hoa cũng có thay đổi, phía nam có Vĩnh Tuy, Thanh Trì, phía Tây có làng Đăm vốn nổi tiếng về hoa, phía bắc có huyện Gia Lâm. Cũng có nhiều làng xoay sang trồng hoa. Huyện Văn Giang bên Hưng Yên cũng gửi hoa, quất vào Hà Nội. Còn các làng hoa cũ Quảng Bá, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Hữu Tiệp thì thành khách sạn nhà cao tầng gần hết. Đào Hồ Tây chỉ còn bán dọc theo một đoạn đường Lạc Long Quân. Nhiều người nuối tiếc về đổi thay này, nhưng sự vận động của đời sống là vậy. Làng này biến mất thì hai ba làng khác lại thành làng hoa. Hoa Hà Nội Phong phú hơn, năm nào cũngcó giống hoa lạ. Cúc Hà Lan có hàng chục loại: tím tía, trắng hồng, da cam.... Đồng tiền, hoa ly đủ mầu, thạch thảo như tuyết điểm....

Người ta ví hồng nào hồng chắng có gai, vậy mà bây giờ hồng không gai, lại to đẹp, rực rỡ màu sắc, có điều kém hương chút ít. Có loại hoa đã lâu vắng bóng, nay lại gặp trên chợ Hoa ngày Tết. Ấy là những giò thuỷ tiên toả rễ trắng muốt trong bắtt huỷ tinh đầy nước. Hoa bao giờ cũng thân thiết với người. Nó là hương sắc của đất trời, và cũng là hương sắc của chính tâm hồn con người vươn tới cái đẹp.

Minh Phương

Hoa Tết về chợ, giá cao ngất ngưởng

Các loại hoa kiểng bắt đầu được đưa về chợ hoa Công viên 23-9, Q.1 để kịp khai trương vào ngày 10-2
Dù 23 tháng chạp, các chợ hoa Xuân tại TPHCM mới chính thức khai trương, nhưng vào thời điểm này tại nhiều khu vực, nhất là dạng chợ hoa tự phát như khu vực đường Bến Bình Đông (Q.8), Trần Xuân Soạn (Q.7) hoa kiểng đã bày bán tràn ngập.

Giá sẽ rớt vào những ngày cuối

Tại các điểm này, hoa, cây kiểng Tết từ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp đang dồn dập đổ về. Nhiều nhất vẫn là mai các loại, mai chiếu thủy, cúc, vạn thọ, mồng gà, thược dược... Riêng mặt hàng tắc, được xem là độc quyền ở Chợ Lách (Bến Tre) hằng năm đổ về TPHCM rất nhiều nhưng năm nay, đến thời điểm này, hàng vẫn còn rất thưa thớt.

Giá hoa năm nay tăng khá cao so với mọi năm. Tại khu vực Bến Bình Đông, cúc mâm xôi từ 20.000 đồng - 25.000 đồng/chậu, tăng 10.000 đồng so với năm ngoái; mồng gà 20.000 đồng/chậu, vạn thọ 10.000 đồng/chậu đều tăng khoảng 3.000 đồng. Các loại hoa cao cấp hơn như trà mi giá từ 250.000 đồng- 300.000 đồng/chậu (năm ngoái chỉ có 70.000 đồng- 150.000 đồng/chậu); đỗ quyên từ 40.000 đồng- 80.000 đồng/chậu, tăng từ 25.000 đồng... Giá mai cũng cao không kém. Mai để bàn giá khoảng 50.000 đồng/chậu; mai chưng loại nhỏ từ 120.000 đồng- 150.000 đồng/chậu, loại vừa từ 400.000 đồng- 500.000 đồng, loại chậu lớn từ 2 triệu - 5 triệu đồng/chậu. Tắc bội chào bán trên đường Trần Xuân Soạn từ 500.000 đồng-1.200.000 đồng/bội, gần gấp 2 lần so với năm ngoái...

Ông Đỗ Tấn Gẫm, bán hoa kiểng Tết tại Bến Bình Đông, cho biết sở dĩ giá mai kiểng tăng cao vì năm nay thiếu mai do thời tiết xấu, mưa nhiều và cũng là năm nhuận, nhiều cây mai nở sớm. Tuy nhiên, cũng không loại trừ tâm lý kinh doanh đầu chợ thì “hét” giá trên trời nhưng đến những ngày cuối thì giá rớt thê thảm, hoa kiểng dư thừa và năm nay cũng không ngoại lệ.

Có thêm nhiều loại hoa mới

Dạo qua một số khu vực kinh doanh hoa kiểng nói trên cho thấy ngoài các loại hoa Tết quen thuộc, năm nay có nhiều loại hoa mới. Đáng chú ý là hoa thiên y phụng và phụng ly. Hai loại này có thân, lá khá giống nhau, nhưng một loại có lá màu xanh, loại kia màu đỏ tím. Hoa đều có nền màu đỏ, nụ màu vàng nhưng mức độ đậm nhạt khác nhau. Hoa nở từ 5- 6 tháng mới tàn, giá bán từ 80.000 đồng- 150.000 đồng/chậu. Một loại hoa mới khác là tử la lan cánh hoa màu tím xinh xắn, giá từ 15.000 đồng- 20.000 đồng/chậu. Dừa “rôbin” thuộc loại tí hon trong họ dừa, lá nhuyễn buông rũ giống như liễu (giá 50.000 đồng/cặp)... Tại các khu vực này còn có loại khế khá đặc biệt, lá nhỏ và xoắn, trái cũng nhỏ như ngón tay út. Cây khế cao chưa tới 1,5 m nhưng có giá bán từ 3 triệu - 4 triệu đồng.

Ở chợ hoa Phú Mỹ Hưng có một số loại lan mới như lan xanh chiểu, giá bán lên đến 1 triệu đồng/chậu; lan kim, có bộ rễ rất đẹp, hoa có màu sắc quý phái, giá 800.000 đồng/chậu. Một loại hoa mới khác là hoa kim nhung (từ Đà Lạt), lá dày mềm, mặt trên có nhiều chỉ màu xám giống như vẽ; hoa có 3 màu trắng, đỏ và hồng; giá bán 100.000 đồng/chậu. Ổi ruột đỏ có tên bách quạt, giá bán trên dưới 3 triệu đồng/cây (ổi gốc to, ghép nhiều cành sum sê, trái dày đặc như sung).

Hôm nay, 10-2, khai mạc chợ hoa Tết

Ở TPHCM, các chợ hoa Tết tại Công viên 23- 9 (Q.1), Công viên Lê Văn Tám (Q.1), Công viên Gia Định (Q. Phú Nhuận) sẽ đồng loạt hoạt động từ ngày 10 đến 16- 2 (tức từ 23 đến 29 tháng chạp). Chợ hoa Công viên 23-9 có quy mô 875 lô hàng, Công viên Lê Văn Tám có 110 lô, Công viên Gia Định 241 lô.

Riêng Hội Hoa Xuân Đinh Hợi được tổ chức tại Công viên Văn hóa Tao Đàn (Q.1), từ 12 đến 24-2 (từ 25 đến mùng 8 Tết) sẽ có khoảng 7.000 hiện vật của 500 nghệ nhân trong nước. Ngoài ra, còn có sản phẩm của các nghệ nhân đến từ Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, trong đó có nhiều hiện vật độc đáo như cây khế gân bộ 3, cây khế 300 tuổi, hoa ngọc điểm hồng có đến 6 vòi và lan mã thiên hồng có 250 bông.

NGUYỄN HẢI

Hoa kiểng Tết sẽ rất dồi dào

Khách chọn mua hoa trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 - TPHCM. Ảnh: H.LÂN

Ở nhiều khu vực bán hoa trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), Trường Sơn (quận 10 – TPHCM)... hoa kiểng Tết đã bày tràn ra lề đường để “tiếp thị” khách đi đường. Giá một số loại hoa kiểng đã tăng khoảng 5.000 đồng - 10.000 đồng/chậu và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những ngày cận Tết.

Mốt... hoa chậu

Nếu như mọi năm hoa chậu chỉ có một vài loại như đỗ quyên, gừa cạn, dạ yến thảo, cúc bi... thì năm nay, các vườn kiểng còn đưa ra thị trường các loại chậu đồng tiền, cúc, lily, tulip, địa lan... Do đã được xử lý kỹ thuật nên hoa trong chậu có cành thấp, nhiều hoa, cánh hoa sặc sỡ và được chăm sóc kỹ sẽ giữ tươi được 10 ngày đến 1 tháng. Ngoài hoa chậu, sứ kiểng năm nay được lai ghép có rễ to, hoa nhiều màu đậm nhạt cũng được nhiều người hỏi mua. Theo khảo sát của chúng tôi, tuy mới chào hàng hoa Tết nhưng giá một số loại kiểng đã tăng cao hơn ngày thường 5.000 đồng - 10.000 đồng/chậu. Chẳng hạn: gừa cạn, cúc, lily nhỏ, dạ yến thảo, hoa đồng tiền, đỗ quyên nhỏ 40.000 đồng - 50.000 đồng/chậu; đỗ quyên lớn, địa lan 120.000 đồng - 140.000 đồng/chậu; sứ kiểng 200.000 đồng - 6.500.000 đồng/chậu, tùy loại hoa và hình dáng rễ... Một chủ vựa kiểng trên đường Nguyễn Trãi cho biết, năm rồi, đến 26, 27 Tết giá các loại hoa này tăng lên gần gấp đôi. Năm nay, nếu sức mua cao, khả năng giá kiểng nhỏ sẽ tăng thêm 20.000 đồng - 30.000 đồng/chậu trong những ngày cận Tết.

Nhiều loại hoa cắt cành mới

Tại các chợ đầu mối hoa Đầm Sen, Hồ Thị Kỷ, chợ hoa trên đường Hậu Giang... chủ vựa bắt đầu nhập nụ tầm xuân (Trung Quốc) về tẩm màu, phân loại. Tuy nhiên, lượng hoa nhập về chỉ bằng 1/3 cùng kỳ. Theo các chủ vựa, nụ tầm xuân đã quá quen thuộc nên người tiêu dùng không còn ưa chuộng. Chủ vựa hoa Bảy Thơm ở chợ Đầm Sen cho biết: Thời điểm này, các chủ vựa đã hợp đồng miệng với nhà vườn để bán hoa Tết. Hiện tại, giá hoa sỉ đang “rẻ bèo”, chỉ 20.000 đồng - 23.000 đồng/chục bó (cúc, cẩm chướng...) nhưng giá Tết phải đến 23 tháng chạp mới biết được.

Tết này, Dalat Hasfarm sẽ giới thiệu thêm nhiều giống hoa mới như hồng Corvette, cúc Lollipop, cúc Everglade, cúc Mona Lisa, lily Medusa, lily Rialdo, tulip hồng... và một số giống hoa nhập khẩu như hoa Sandersonia, hoa Forsythia, hoa Kangaroo Paw, Bromeliad Red Dragon, Cyclamen... Dự kiến, Dalat Hasfarm sẽ bán ra khoảng 2 triệu cành và 100.000 chậu hoa các loại trong dịp Tết. Đặc biệt, công ty đầu tư kỹ cho hoa lily và tulip (hai loại hoa “sốt” giá trong Tết năm rồi), tăng sản lượng hoa tulip lên gấp 3 lần.

Theo dự đoán của các chủ vựa hoa, hoa Tết năm nay rất dồi dào, khả năng chỉ tăng giá khoảng 20%-30% vào các ngày cao điểm (trừ một số loại hoa cao cấp như lily, tulip có khả năng tăng gấp 2, 3 lần do hút hàng).

THANH NHÂN